Thứ 6, 19/04/2024

Truy cập
Online: 2
Hôm nay: 111
Tất cả: 542,772
Chế độ sinh hoạt và làm việc

Làm việc trong khi mang thai: những điều nên làm và những điều nên tránh

Làm việc trong thai kỳ không phải lúc nào cũng dễ. Bạn cần phải biết cách “chiến đấu” với các triệu chứng và luôn giữ cho mình được khỏe mạnh mà công việc thì vẫn được chạy đều.

Phần lớn phụ nữ có thể tiếp tục làm việc trong khi mang thai. Tuy nhiên, khi mang thai, bạn phải đối diện với nhiều thử thách ở công sở. Để giữ được sức khỏe tốt, đồng thời vẫn làm cho công việc chạy đều, bạn phải hiểu cách làm thế nào để giảm nhẹ các điều phiền toái hay gặp do việc mang thai gây ra, cũng như hiểu được khi nào thì các nhiệm vụ trong công việc của bạn có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Hạn chế tình trạng buồn nôn và nôn

Mặc dù ở nhiều nước, người ta gọi tình trạng nôn nghén là “bệnh lý buổi sáng”, nhưng tình trạng nôn nghén do thai này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong ngày. Để làm giảm tình trạng nôn khi đang làm việc, bạn cần:

-Tránh các yếu tố gây nôn. Một số thức ăn mà trước đây bạn vẫn thèm thuồng vào mỗi buổi sáng hoặc mùi thức ăn được hâm nóng lại trong lò vi sóng giờ đây có thể làm cho dạ dày của bạn sôi sục và chực trào ra ngoài. Do vậy, bạn cần phải dọn sạch sẽ những thứ có thể làm cho bạn nôn từ đêm hôm trước.

-Thường xuyên ăn vặt. Các loại bánh quy, hạt khô hay snack có thể là cứu cánh rất tốt cho bạn khi bạn cảm thấy buồn nôn. Bạn nên chọn một chỗ tại nơi làm việc để cất sẵn các loại snack, hạt khô hoặc bánh quy để dễ với tay lấy khi cần thiết. Bạn cũng có thể ăn chút gừng hoặc uống nước trà gừng cũng tốt.

-Uống nhiều nước. Nếu không uống đủ nước thì tình trạng buồn nôn sẽ ngày càng tệ hơn. Bạn hãy mang theo một chai nước để trên bàn hoặc nơi bạn làm việc để “nhấp môi” suốt ngày.

“Giải quyết” tình trạng mệt mỏi

Bạn dễ cảm thấy mệt mỏi khi cơ thể bạn phải làm việc quá mức để nâng đỡ cho thai nhi- và nhất là khi bạn không có điều kiện được nghỉ ngơi trong thời gian làm việc tại cơ quan. Một số biện pháp sau đây có thể giúp bạn:

-Ăn thức ăn giàu sắt và protein. Mệt mỏi có thể là một triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt. Hãy chọn những thức ăn như thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, những loại rau có lá xanh, các loại đậu, hoặc những loại cereal giàu sắt ăn với sữa buổi sáng.

  • -Thường xuyên nghỉ ngắn giữa giờ. Đứng dậy đi lại trong một vài phút có thể giúp bạn thoải mái trở lại. Bạn cũng có thể tắt đèn, nhắm mắt lại, duỗi thẳng hai chân trong vài phút, điều này sẽ giúp bạn “nạp” lại năng lượng cho những giờ làm việc sau.

  • -Duy trì việc tập thể dục thường xuyên. Sau một ngày dài làm việc, mặc dù bạn ít khi nghĩ đến việc tập thể dục, nhưng bạn nên nhớ rằng hoạt động cơ thể có thể giúp bạn phục hồi năng lượng làm việc rất tốt, đặc biệt là sau một ngày ngồi liên tục tại cơ quan. Nếu bác sỹ sản phụ khoa của bạn cho phép thì tốt nhất bạn nên tham gia vào các lớp học thể dục dành cho bà bầu vào thời điểm sau giờ làm việc.

  • -Đi ngủ sớm. Mục tiêu bạn phải đạt được là ngủ từ 7 đến 9 tiếng đồng hồ mỗi đêm. Nằm ngủ nghiêng sang bên sẽ giúp cải thiện lượng máu đến thai nhi và giảm phù chân. Bạn có thể kẹp một gối ôm giữa hai chân và đăt một gối ở dưới bụng để được thoải mái hơn.

Tư thế thoải mái

Khi thai càng lớn, các hoạt động hàng ngày của bạn như ngồi, đứng càng trở nên bất tiện. Bạn hãy nhớ rằng thường xuyên nghỉ ngắn giữa giờ làm việc sẽ giúp bạn giảm mệt mỏi. Đứng dậy đi lại sau một vài giờ làm việc có thể làm cho cơ bắp đỡ căng và chống lại ứ trệ tuần hoàn ở chân bạn đấy. Ngoài ra, bạn còn có thể có một vài “chiến thuật” khác:

  • -Ngồi. Ghế ngồi chắc, có đệm tựa lưng, hai tay ghế có thể điều chỉnh được và có phần đệm nâng đỡ phần thắt lưng có thể giúp bạn ngồi được thoải mái trong nhiều giờ làm việc. Nếu ghế ngồi của bạn không thể điều chỉnh cho phù hợp được, bạn hãy tìm cách thay đổi, ví dụ như lót thêm một gối nhỏ hoặc một tấm đệm ở lưng.

  • -Đứng. Đứng lâu có thể làm cho máu tụ lại ở vùng chân, dẫn đến đau chân hoặc choáng váng. Đứng lâu cũng đồng thời tạo áp lực lên vùng lưng. Nếu bạn buộc phải đứng trong một khoảng thời gian kéo dài, bạn hãy đặt một bàn chân lên một chiếc bục nhỏ, một chiếc hộp hay một cái ghế thấp. Thường xuyên thay đổi chân này qua chân kia. Mang giày thật thoải mái thích hợp với việc đứng lâu. Có khi bạn cũng cần loại bít tất hỗ trợ (loại dành cho những bệnh nhân giãn tĩnh mạch chân).

  • -Động tác cúi người và nâng vật nặng. Thực hiện các động tác này một cách đúng đăn có thể tốt cho lưng của bạn, ngay cả khi bạn nâng những vật nhẹ. Bạn nên gấp đầu gối lại hơn là cúi gập lưng. Hãy ôm vật nặng vào sát người, nâng vật lên bằng hai chân đứng dậy chứ không phải duỗi lưng ra. Và bạn hãy tránh xoay vặn cơ thể khi đang nâng vật nặng lên.

Kiểm soát stress

Stress tại công sở có thể làm bạn tiêu tốn nhiều năng lượng mà bạn cần phải để dành để chăm sóc cho bạn và cho thai nhi. Bạn hãy hạn chế stress theo cách như sau:

  • -Kiểm soát công việc. Mỗi ngày, bạn hãy lập một danh sách các công việc hãy làm và trong đó công việc nào cần ưu tiên. Chú ý xem xét những việc nào có thể gây đụng chạm đến người này người nọ.

  • -Chia sẻ. Bạn nên chia sẻ những nỗi bực dọc với những người hỗ trợ bạn trong công việc, những người bạn hay những người mà bạn quí mến.

  • -Thư giãn. Bạn hãy thực hành các kỹ thuật thư giãn thật tốt, ví dụ bạn thở chậm hoặc bạn tưởng tượng rằng mình đang đi đến một nơi thật yên tĩnh và thư thái. Nếu Bác sỹ của bạn cho phép, bạn hãy tham gia vào lớp học Yoga dành cho bà mẹ mang thai.


Chú ý các quy tác cẩn trọng khi làm việc

Một số điều kiện làm việc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng trong thai kỳ- đặc biệt là khi bạn có nhiều nguy cơ bị doạ sinh non, bao gồm như sau:

  • Tiếp xúc với các chất độc hại

  • Làm thêm giờ

  • Đứng lâu

  • Nâng vật nặng

  • Môi trường quá ồn

  • Môi trường có nhiều máy lớn, gây rung nhiều.

  • Stress nhiều

  • Môi trường làm việc lạnh

Ngoài ra, khi thai càng lớn, bạn càng thấy khó khăn khi thực hiện các hoạt động yêu cầu có sự tỉ mỉ, chi ly.

Nếu bạn đang quan tâm tới bất kỳ vấn đề gì liên quan đến đề tài này, bạn hãy trao đổi với bác sỹ. Bác sỹ sẽ cùng với bạn chia sẻ quyết định cách thức cải thiện môi trường và cách thức làm việc của bạn.

BAOTUYEN-women’s health



Câu hỏi thường gặp

Câu hỏi 5

Câu hỏi 4

Câu hỏi 3

xem thêm ...
 
Giờ khám bệnh
   

Từ thứ 2 đến thứ 6: Từ 17h

   

Thứ 7: Từ 9h đến 11h30

   

Chủ nhật và ngày lễ : khám theo hẹn

 
Đăng kí khám bệnh
   

- Điện thoại :  0903533927

Buổi sáng: 7:00 đến 11:30

Buổi chiều tối: từ 14:00 đến 20:00

- Địa chỉ : 21 Bế Văn Đàn, Đà Nẵng

 
Liên kết

Sở y tế đà nẵng

 

Quảng Cáo